Mặc dù sản lượng khai thác tăng, nhưng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn đang giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã giảm mạnh, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 2/2016 chỉ đạt hơn 8,6 triệu USD (giảm 33,2% so với tháng 1/2016) và giảm gần 36% so với mức 13,4 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái, chiếm 36% trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Do vậy, tính tổng 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt 21,5 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu chính các sản phẩm cá ngừ đóng hộp và philê/thăn cá ngừ của Việt Nam.
Trái với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 2 đã phục hồi nhẹ. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 7,3 triệu USD, tăng 7% so với tháng 2 năm ngoái, chiếm gần 31% trong tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ. Tuy nhiên, do tháng đầu năm xuất khẩu khẩu cá ngừ sang đây giảm mạnh, do đó tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU 2 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt hơn 15 triệu USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Sau 2 tháng đầu năm, với tốc độ tăng trưởng cao lên tới 3con số, hiện Italy đang là nước dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam trong khối EU. Bên cạnh đó, Bỉ với tốc độ tăng trưởng tốt trong tháng 2 đã vươn lên vị trí thứ 3 thay thế cho Hà Lan.
Đối với thị trường ASEAN trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng trở lại. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong tháng 2 đạt hơn 2,7 triệu USD, tăng gần 99% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 6,9 triệu USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Thái Lan là thị trường đứng đầu về nhập khẩu sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong khối ASEAN. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Thái Lan trong tháng 2 đạt hơn 1,9 triệu USD, tăng gần 90%. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong cả 2 tháng đầu năm sang đây vẫn giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong tháng 2 cũng đã có dấu hiệu phục hồi giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 triệu USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng giá trị xuât khẩu cá ngừ trong cả 2 tháng đầu năm vẫn giảm hơn 20%.
Dự báo, xuất khẩu sản phẩm cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU sẽ phục hồi do hiện nay phần lớn các nước trong TPP đều là thị trường XK cá ngừ lớn của Việt Nam trong những năm qua. Trong năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang 11 nước này chiếm gần 53% tổng giá XK cá ngừ sang các thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản và Mexico đang là những thị trường NK cá ngừ chính của Việt Nam.
Hiệp định TPP đang được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu cá ngừ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo cam kết của các nước tham gia Hiệp định TPP, các sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam sẽ được các nước cắt giảm thuế quan xuống còn 0% khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với các thành viên khác trong Hiệp định TPP như: Mỹ, Nhật Bản và Mexico lại có một lộ trình giảm thuế riêng với các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam.
Cụ thể, với Mỹ, cá ngừ của Việt Nam XK sang đây sẽ được xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực, riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10. Với Nhật Bản, cá ngừ đóng hộp, cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng tươi và đông lạnh XK sang đây sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Văn Thọ